Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Bác Hồ với miền Nam - Miền Nam với Bác Hồ


bac_ho_voi_mien_nam... Năm 1963, ba năm sau Đồng khởi, Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng triệu tập tôi ra Hà Nội báo cáo tình hình. Ra đến nơi, vừa vào nhà nghỉ đã có đồng chí đến báo: "Bác kêu anh đấy". Tôi vội vàng đế chỗ Bác. Vào đến phòng họp, tôi thấy trên chiếc bàn lớn đã trải sẵn tấm bản đồ miền Nam. Vừa ngồi được một tí đã thấy Bác bước vào với bộ quần áo nâu, đi chân đất. Bác nói:
- A, chú Cúc đấy phải không. Chú ở miền Nam ra, trước hết là Bác khen ngợi tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam. Chú ngồi xuống, chỉ cho tôi xem bây giờ trung ương cục đóng ở đâu?
- A, chú Cúc đấy phải không. Chú ở miền Nam ra, trước hết là Bác khen ngợi tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam. Chú ngồi xuống, chỉ cho tôi xem bây giờ trung ương cục đóng ở đâu?
Tôi chỉ Tây Ninh và thưa:
- Thưa Bác đóng ở Tây Ninh ạ.
Bác liền hỏi:
- Tôi nghe là ở Tây Ninh trước kia, hồi kháng chiến chống Pháp, các đồng chí Phạm Hùng, Trần Văn Trà và ban lãnh đạo Phân liên khu miền Đông rất khó khăn về gạo, phải tích từng lon. Thế bây giờ thì thế nào? Mỗi tháng mỗi người được bao nhiêu?
- Thưa Bác, gần 30 ki-lô-gam.
- Tới gần 30 ki-lô-gam cơ à. Nhưng mà đó là các chú hay chiến sĩ?
- Dạ, đó là anh em chiến sĩ thanh niên, chứ chúng cháu không ăn hết được.
- Thế thì tốt lắm. Nhưng làm sao để được như vậy?
- Dạ, đó là nhờ dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ sau Đồng khởi, bà con ở Miền Đông Nam bộ đẩy mạnh đấu tranh chính trị, theo đường lối "hai chân, ba mũi", vừa chống địch càn quét đánh phá, vừa đẩy mạnh sản xuất nên bây giờ bà con đã có đủ gạo ăn và nuôi khánh chiến. Ta cũng đã phá được thế bao vây chia cắt của địch giữa các vùng. Cho nên đảm bảo được những nhu cầu cần thiết yếu cho cả đồng bào và chiến sĩ, không đến nỗi khó khăn như thời kháng Pháp.
- Tốt lắm các chú và nhân dân làm giỏi đấy. Thế nhưng liệu có được lâu không?
- Thưa Bác, khi chưa làm thì chưa có kinh nghiệm. Đã làm rồi thì càng thấy rõ trên thực tế là đường lối của Đảng rất đúng. Cho nên chắc chắn là sẽ giữ được lâu dài.
bac_ho_voi_mien_nam
Bác Hồ vun xới cây vú sữa của đồng báo miền Nam gửi ra biếu Bác
Quả thật, những năm về sau, mãi đến mùa xuân năm 1975, đồng bào và chiến sĩ miền Đông vẫn không bị đói. Hồi năm 1952, ở miền Đông Nam Bộ ta chỉ có hai trung đoàn, mà chỉ sau một trận lụt, cả nhân dân và bộ đội đều bị đói, phải ăn củ mì, phải đưa bộ đội xuống miền Tây (vùng Đồng Tháp) để có gạo ăn. Số còn lại mỗi người mỗi tháng chỉ có năm lít gạo.
Tôi rất xúc động trước sự quan tâm của Bác đối với việc chăm lo đời sống cho đồng bào, chiến sĩ cán bộ. Từ câu hỏi đó, Bác hỏi đến phong trào tình hình chung, rồi Bác phân tích, Bác khen làm như thế là giỏi và hướng dẫn, chỉ vẽ thêm cách làm cho thời gian tới.
Năm 1968, tôi lại có dịp ra báo cáo tình hình. Lúc này Bác đang mệt. Lần đó tôi đi cùng đồng chí Trần Độ. Đồng chí Vũ Kỳ (thứ ký của Bác, hôm đó cũng có mặt) báo cho biết là Bác mời cơm tôi và anh Trần Độ. Được Bác mời cơm là một vinh hạnh lớn, nhưng nghe Bác mệt, cả tôi và anh Trần Độ đều hơi ngài ngại.
Hôm đó, cả tôi, anh Trần Độ và anh Vũ Kỳ cùng ăn với Bác. Tôi thấy Bác ăn rất ngon lành. Bác ăn tới hai bát cơm và bảo anh Kỳ xúc cho thật đầy. Bác vừa ăn vừa bảo mọi người ăn cho hết thức ăn, không để thừa. Tôi và anh Trần Độ thấy vậy mừng quá. Bác đang mệt mà Bác vẫn ăn được.
Sau đó, anh Vũ Kỳ cho biết: Bác cố gắng ăn như thế để các anh về nói lại cho đồng bào miền Nam yên tâm! Bác biết rằng nếu đồng bào và chiến sĩ miền Nam hay tin Bác mệt sẽ lo lắng biết bao nhiêu.
Năm 1969, tôi lại được triệu tập ra Trung ương. Lúc này Bác đã mệt nhiều, khi tôi được vào thăm thì Bác đã không còn ngồi dậy để tiếp chuyện nữa. Tôi ngồi trên chiếc ghế bên cạnh giường Bác. Bác vẫn còn đang khỏe. Trên bức tường cạnh giường, tôi vẫn thấy như mọi lần có treo sẵn tấm bản đồ miền Nam với các mũi tên chỉ tình hình chiến sự trong những ngày gần nhất. Đồng chí Vũ Kỳ cho biết tuy yếu mệt như vậy nhưng hằng ngày Bác vẫn yêu cầu cán bộ Bộ Tổng tham mưu sang báo cáo về tình hình chiến sự ở miền Nam. Tôi xúc động quá!
Cho đến hôm gần thở hơi cuối cùng, Bác cho mời các đồng chí trong Bộ Chính trị đến bên cạnh. Tôi lúc đó không ở trong Bộ Chính trị nhưng là cán bộ duy nhất ở miền Nam ra, nên Bác cũng cho kêu đến. Bác cố nắm tay từng đồng chí trong Bộ Chính trị và sau đó nắm lấy tay tôi. Khi ấy Bác đã không còn nói được nữa. Nhưng đôi mắt và vẻ mặt của Bác thể hiện một tình cảm thật sâu sắc không bút nào tả xiết. Riêng đối với tôi, tôi hiểu rằng tình cảm của Bác không phải đối với riêng tôi, mà Bác muốn qua cái nắm tay cuối cùng, gởi gắm tấm lòng của Bác đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam trước khi Bác từ biệt cõi đời để theo các cụ Mác, Lênin.
Miền Nam hướng về vị cha già dân tộc
Tấm lòng của nhân dân miền Nam với Bác Hồ cũng mênh mông vô bờ bến. Như hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, địch bắt được hai em đi rải truyền đơn. Nó tra tấn đánh đập dữ dội, nhưng cuối cùng vì hai em tuổi vị thành niên, nó phải thả. Nhưng trước khi thả, nó giở âm mưu xảo quyệt. Trước cửa xà lim nhốt hai em, nó trải hình Bác dưới đất và bảo: "Tụi bây có muốn ra khỏi đây thì phải bước qua tấm hình đó!". Hai cháu quay trở vào chứ không bước qua.
....Hay như những năm 1955 - 1956, sau khi Mỹ - ngụy dẹp xong Bình Xuyên và các giáo phái, chúng tập trung đánh vào nhân dân cách mạng, vào những người cộng sản rất khốc liệt. Thế mà hai ngày 1 tháng 5 năm 1955 và năm 1956, hàng triệu quần chúng tập hợp nhau lại ở vườn Tao Đàn đi biểu tình rất có trật tự, nêu cao khẩu hiệu đòi giải quyết quyền lợi thiết thực, đòi địch phải thi hành Hiệp định Giơnevơ, thống nhất nước nhà. Địch huy động cảnh sát tới ngăn chặn, đồng bào nêu khẩu hiệu đòi tăng lương cho binh lính và cảnh sát ngụy. Thấy vậy đám cảnh sát để cho bà con đi. Đó cũng là những kinh nghiệm trong đấu tranh chính trị, kinh nghiệm xuất phát từ tinh thần đại đoàn kết, từ lời dạy của Bác Hồ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!
Khi Bác mất, rất nhiều bàn thờ được đặt ra ngay giữa các vùng địch tạm chiếm. Ở viện Bảo tàng Cách mạng, tôi thấy có bức ảnh anh em xích lô sắp hàng ngồi mặc niệm Bác. Hay như việc lập bàn thờ Bác ở xã Long Đức, thị xã Trà Vinh (Cửu Long), ở xã Viên An (huyện Ngọc Hiển, Minh Hải). Nhiều nhà tri thức công giáo như anh Lý Chánh Trung đã viết bài tỏ lòng thương tiếc Bác đăng trên báo công khai ở Sài Gòn, v.v....
Để đàn áp phong trào đấu tranh chính trị, địch khủng bố rất ác liệt. Ở Mỹ Tho trước khi Đồng Khởi, có chi bộ bị chúng bắn giết chết hết, phải lập đi lập lại, lột xác tới ba bốn lần. Tôi nhớ lúc đó Xứ ủy chúng tôi có nhận được bức thư của 30 lão nông ở Thủ Dầu Một chất vấn rằng tình hình như vậy không biết Xứ ủy có báo cáo lên Trung ương, lên Bác Hồ hay không? Các cụ yêu cầu gửi bức thư đó cho Bác Hồ và yêu cầu phải đấu tranh vũ trang trở lại, nếu không thì không thể thắng được. Bức thư phản ánh ý kiến chung của đồng bào, nhân dân miền Nam lúc đó.
Sau đó, Xứ ủy đã bàn bạc, phân tích tình hình địch - ta và góp ý kiến với đồng chí Lê Duẩn và Xứ ủy Nam Bộ xây dựng đề cương cách mạng miền Nam làm cơ sở cho Nghị quyết 15 rất phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân cách mạng ở miền Nam đã được Đảng, được Bác giáo dục, động viên, luôn có nhận thức rất đúng và nhạy bén với tình hình. Khi có Nghị quyết 15 là phong trào bật lên. Và ngay trong Nghị quyết 15, Bác đã đóng góp rất nhiều ý kiến.
Tôi nói những điều đó để nói lên lòng tin yêu, kính trọng của nhân dân miền Nam với Bác. Lòng tin yêu, kính trọng đó bắt nguồn từ những chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng mà Bác là Lãnh tụ tối cao, từ những lời chỉ dạy của Bác. Và đó chính là nguồn gốc của sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của chúng ta cho đến ngày nay.
NGUYỄN VĂN LINH
Nguyên Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam
(Trích "Bác Hồ với Miền Nam - miền Nam với Bác Hồ",
NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1986)

0 nhận xét

Hướng dẫn cách viết bình luận

 
© 2010 LỚP A4 THPT BẠC LIÊU
Designed by Đỗ Quốc Thái

Về đầu trang